Anh có thích nước Mỹ không? là một trong những quyển ngôn tình đầu tiên mở đầu cho trào lưu “đọc tiểu thuyết tình cảm Trung Quốc” tại Việt Nam. Bản thân tôi biết đến tên tiểu thuyết này rất lâu nhưng cũng lần lữa mãi mới đọc. Ban đầu vốn còn định bỏ qua, nhưng sau đó nghe phong thanh Hannie đóng phim điện ảnh chuyển thể từ truyện này, không kể tới đạo diễn là Triệu Vy, thế là tò mò. Có lẽ bởi vì mặc dù Han đóng phim chưa lâu, tuổi đời còn khá trẻ, nhưng tôi cảm thấy ở anh có một sự chững chạc nào đó, đủ để anh thể hiện vai diễn một Lâm Tĩnh mà vẻ tự tin đĩnh đạc tỏa ra ngay từ trong đáy mắt.
Thường thì khi một tác phẩm được nhiều người khen hay, những độc giả đi sau vô tình sẽ đặt một kì vọng khá lớn vào nó. Có lẽ bởi thế nên lần đọc đầu tiên tôi chỉ cảm thấy thấy lối viết truyện của Tân Di Ổ hơi “mệt”. Lúc ấy còn chưa nhập được vào không khí truyện, nên tôi chỉ xem qua quýt vài chương, rồi bỏ ngang, bẵng đi một thời gian dài mới quay trở lại. Lần sau thì đọc hết.
Câu chuyện được viết đúng như những lời Tân Di Ổ đã nói, “To our youth that is fading away” – “Gửi cho thời thanh xuân rồi sẽ qua của chúng ta”, nghĩa là dù tuổi trẻ có đẹp đến đâu thì nó cũng vẫn đã, đang và sẽ qua đi trong đời mỗi người.
Đây mới là tác phẩm đầu tiên của Tân Di Ổ mà tôi đọc, nhưng trước đó tôi đã phần nào tổng hợp các nhận xét, đánh giá lượm lặt được từ nhiều nguồn khác nhau vào những “nhận thức” của bản thân về phong cách mà Tân Di Ổ xây dựng, đó là “thực tế”. Cuộc đời này cũng “thực” như cổ tích Andersen vậy; bởi vì cổ tích không nên chỉ dừng lại ở tình yêu viên mãn giữa hoàng tử và công chúa, có rất nhiều khi đánh đổi bao nhiêu hạnh phúc thực tại cũng chẳng thể lấy được điều mà mình khao khát, và cũng có nhiều khi, cái thiện không thể chiến thắng cái ác. Điều then chốt thực ra chỉ vì mỗi người đều có một định nghĩa về hạnh phúc cho riêng mình.
Không giống như một phần khá đông những người đã đọc truyện đều đứng về phía Trần Hiếu Chính, tiếc cho một mối “tình thơ” đẹp đẽ đã kéo dài và day dứt suốt thời tuổi trẻ của Trịnh Vy, tôi thích Lâm Tĩnh. Cũng không phải là thích Lâm Tĩnh ngay từ đầu, vì cho dù tôi thừa nhận rằng cảm giác với Han đã ảnh hưởng rất nhiều đến con mắt đánh giá Lâm Tĩnh trong truyện, thì ít nhiều tôi cũng không thích việc một người lạnh lùng bỏ đi suốt 7 năm mà không nói tiếng nào với cô “em gái” thanh mai trúc mã thân thiết từ thuở ấu thơ, chỉ vì muốn trốn tránh việc mẹ cô là kẻ thứ ba đã xen vào hạnh phúc gia đình của cha mẹ mình. Chỉ là tôi đã bắt đầu thích Lâm Tĩnh từ một chi tiết khá nhỏ nhặt: đó là khi Trần Hiếu Chính tìm thấy tấm ảnh cũ Lâm Tĩnh chụp cùng Trịnh Vy năm cô 17 tuổi kẹp trong quyển truyện Andersen, khi chính kẻ cao ngạo như Trần Hiếu Chính cũng phải thừa nhận rằng anh ta lép vế trước một con người mà phong thái đĩnh đạc tỏa ra ngay từ trong ánh mắt. Lâm Tĩnh vốn thuộc kiểu người luôn biết người khác đang nghĩ gì, và vì thế mà luôn kịp thời đưa ra những giải pháp hành xử khôn ngoan nhất. Ai cũng thích người thông minh khôn khéo một chút, nhưng đúng như một bạn nào đó đã từng chia sẻ, “khéo quá hóa giả” thì không hay cho lắm. Bởi thế mà tôi rất thích ngoại truyện “Tấu khúc cầm sắt, tương đắc hợp hòa”, vì Tân Di Ổ đã khẳng định lại cho người đọc thấy rằng, Lâm Tĩnh hoàn toàn xứng đáng với những gì mà anh có được. Trước khi đọc ngoại truyện này, tôi đã khá lấn cấn về điều đó. Nhưng có lẽ đúng là Tân Di Ổ đã hơi “thiên vị” Lâm Tĩnh một chút thật, bởi hóa ra anh vẫn là người đã luôn đứng từ xa để cầu chúc cho Tiểu Phi Long bé nhỏ ngày nào. Dẫu sao, đó cũng là bến bờ mà Trịnh Vy cuối cùng có thể nhẹ nhõm trở về. Chỉ ước chi cuộc đời mãi như khi mới gặp, để tình cảm giữa Lâm Tĩnh và Trịnh Vy có thể lại trở về cái quá khứ 7 năm trước, lại trở về khi họ lớn lên suốt mười mấy năm bên nhau. Một tình cảm rất thật và thuần khiết.
Truyện này còn đươc lên phim nữa cơ
Tôi không ghét Trần Hiếu Chính, và Trần Hiếu Chính không đáng ghét, quyết định đi Mỹ của anh ta không sai, thậm chí nếu anh ta không đi thì lúc đó tôi mới ghét anh ta. Sự nghiệp là thứ quan trọng nhường nào với một người đàn ông. Một người đủ tự tôn và lý trí không thể bắt người mình yêu cũng cùng sống trong cảnh nghèo. Cái lý thuyết suông “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” vốn đã khiến tôi ghét ngay từ lúc còn học tiểu học. Không sai, con người ta ai cũng phải yêu bản thân mình trước, Trần Hiếu Chính không thể yêu Trịnh Vy với hai bàn tay trắng. Tình yêu sâu đậm đến mấy rồi cũng đến lúc phai nhạt. Vì nó không chống nổi với thời gian, vì nó không gánh nổi trên vai sức nặng cơm áo gạo tiền. Tôi thích cả câu nói cuối cùng anh ta dành cho Trịnh Vy trước khi chia tay, rằng “Em đừng đợi, vì chưa chắc anh đã đợi”. Có chăng là anh ta đã không đủ can đảm để thẳng thắn giãi bày quan điểm sống của mình với cô; chia tay rồi mà vẫn lưu luyến không dứt tình; và khi trở lại, dẫu biết mình còn tình cảm mà chẳng thể có dũng khí đưa tay ra kéo cô trở về bên mình. Ai sống cũng phải tiến về phía trước. Anh ta luôn ý thức được rằng tòa nhà cuộc đời mình không thể xây sai dù chỉ 1cm, thế nhưng lại không thể hiểu ra rằng ngay từ lúc lựa chọn thì lựa chọn đó đã mở ra một chặng đường đời rất dài không được phép quay đầu. Vì vậy mà như người nào đó đã nói, Trần Hiếu Chính cứ mãi là một đứa trẻ lạc lối nơi đường sương mù mà không chịu rời đi để trưởng thành. Hay như Lâm Tĩnh đã nhận xét, một con người mà ngay cả cảm giác an toàn cho bản thân cũng không thể có thì sao có thể cho Trịnh Vy cảm giác an toàn? Khí chất là thứ bẩm sinh mà có, ngay từ giây phút đọc chi tiết về tấm ảnh cũ ấy thì tôi đã hiểu rằng dù có cố gắng thế nào, Trần Hiếu Chính cũng không bao giờ đuổi kịp Lâm Tĩnh. Giá như, tác giả cứ để hình ảnh Hiếu Chính dừng lại ở cái thời tuổi trẻ khi anh ta sẵn sàng xách từng phích nước, rửa từng cái bát cho Trịnh Vy thì sẽ tốt hơn. Ít nhất sau này tôi sẽ không có ác cảm với một người miệng nói “sẵn sàng bảo vệ người tôi yêu” mà chỉ có thể đâm thọc sau lưng kẻ đã cả gan xúc phạm cô, chỉ có thể gửi lại kỷ vật tình xưa – mô hình tòa nhà mơ ước– cho người yêu cũ vào đúng ngày cưới. Anh ta hy vọng điều gì? Là mong cô còn chút hoài nhớ về mình chăng? Trần Hiếu Chính càng lúc càng thay đổi đến độ tôi chẳng còn nhìn ra anh chàng sinh viên lạnh lùng khô khan, dù không đến mức đáng yêu nhưng cũng không đáng ghét ngày ấy nữa. Thậm chí tất cả những ngoại truyện sau này nói về Trần Hiếu Chính cũng chỉ cho người ta thấy rằng anh ta không thể tìm thấy lối thoát.
Thế nên trước sau, tôi vẫn giữ quan điểm rằng tình yêu rất “đúng nghĩa tuổi trẻ” của họ cũng chỉ như cái tên, chỉ là thứ người ta có thể có khi vẫn còn trong thời thanh xuân. Ai cũng cần có một quãng đời tươi đẹp và hết lòng như thế, để khi quay đầu lại mới không cảm thấy nuối tiếc. Nhưng thời gian qua đi rồi, quá khứ là cái cần xếp lại phía sau. Bởi vì chỉ có xếp lại, quá khứ ấy mới giữ được sự tươi đẹp vốn có của nó. Giống như tôi từng cho rằng La Kì Kì(*) chỉ nên cất giữ thời niên thiếu tươi đẹp của mình vào cõi lòng mà tiếp tục tiến bước, đơn giản rằng Trương Tuấn không hiểu cô, còn Hứa Tiểu Ba không phải là người có thể bước cùng cô trên một con đường.
Tin rằng Trịnh Vy đã lựa chọn đúng, và dù tình yêu cô dành cho Lâm Tĩnh không thể dùng hết nhiệt thành trong lòng cô như thời tuổi trẻ, nó lại là thứ cô cần trong suốt cuộc đời :).
Sách hay quá, mua về đọc thôi
(*) La Kì Kì, Trương Tuấn, Hứa Tiểu Ba: 3 nhân vật chính trong tác phẩm Thời niên thiếu không thể quay trở lại của Đồng Hoa.
Bài review thuộc về bạn: lifeisfated.wordpress.com
Từ khóa: Anh có thích nước Mỹ ko Review,Ngoại truyện anh có thích nước mi không,Anh có thích nước Mỹ không Câu nói hay,Anh có thích nước Mỹ không phim Bản điện ảnh,Xem phim Anh Có Thích Nước Mỹ Không Vietsub