Mình vừa đọc xong cuốn sách Thiền tâm Sơ tâm của tác giả người Nhật Zen Mind, Beginner's Mind. Shunryu Suzuki, được dich bởi dich giả Nguyễn Duy Nhiên.
Photo by Cedric Lim from Pexels
Để mà review thì hơi khó khăn vì thể loại này có lẽ là khó có ngôn từ nào để có thể biểu lộ cái hiểu của mình. Bạn có thể tham khảo nội dung trích trong sách bên dưới, và nếu thì thì mua sách ủng hộ dịch giả và tác giả, đường dẫn mua sách mình có để cuối bài cho bạn nào quan tâm.
Nhờ ở sự bất toàn
“Kinh Tạp A Hàm, Samyuktagama, có nói về bốn loại ngựa: loại ngựa xuất sắc, loại ngựa giỏi, loại ngựa trung bình và loại ngựa dở.
Loại ngựa thứ nhất có thể chạy nhanh hay chậm, sang trái hay phải, tùy theo ý muốn của người chủ, trước khi nó thấy bóng dáng của ngọn roi. Loại ngựa thứ hai cũng chạy giỏi như loại ngựa thứ nhất, nhưng trước khi ngọn roi chạm vào da của nó. Loại thứ ba chỉ vâng lời khi cảm thấy cái đau của ngọn roi trên thân. Còn loại thứ tư chỉ chạy khi nào cái đau đã thấm vào đến xương tủy. Bạn có thể tưởng tượng được sự học hỏi của loại ngựa thứ tư ấy là gian truân đến chừng nào!
Hay dở không phải là vấn đề
Khi nghe câu chuyện trên, có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mình là những con ngựa xuất sắc. Nếu không thì tệ lắm cũng phải là những con ngựa hạng nhì. Tôi nghĩ đa số ai nghe câu chuyện trên trong kinh cũng đều hiểu như vậy. Và chúng ta nghĩ, trong khi ngồi thiền cũng thế, mình sẽ biết mình thuộc vào hạng ngựa nào. Nhưng thật ra, đó lại là một sự hiểu lầm đáng tiếc về thiền tập!
Nếu bạn nghĩ rằng mục đích của thiền là để huấn luyện bạn trở thành một con ngựa xuất sắc, thì sự tu tập của bạn sẽ có một trở ngại khá lớn. Đó không phải là chánh kiến. Nếu bạn hành thiền cho đúng thì vấn đề bạn có là một con ngựa xuất sắc hay là một con ngựa dở, chuyện đó hoàn toàn không quan trọng. Bạn thử nghĩ về lòng từ bi của đức Phật đi! Bạn nghĩ trong bốn hạng ngựa đó đức Phật sẽ thương loại ngựa nào nhất? Lẽ dĩ nhiên là ngài sẽ thương xót loại ngựa dở hơn loại ngựa xuất sắc chứ!
Toàn vẹn nhờ thấy được sự bất toàn
Nếu bạn tu tập với một tâm rộng lớn của Phật, bạn sẽ thấy được điều này: đôi khi những con ngựa dở mới lại là hạng đáng quý nhất! Ngay chính trong sự bất toàn của mình mà ta tìm được nền tảng của một bản tâm cầu đạo vững vàng. Còn những người ngồi thiền mà bề ngoài trông có vẻ như hoàn toàn an tĩnh, lại đôi khi mất nhiều thì giờ mới có thể thấy được chân tâm, cốt tủy của thiền. Những ai đã từng gặp nhiều trở ngại trên đường tu tập sẽ tìm thấy trong khổ đau có nhiều ý nghĩa. Vì vậy tôi cho rằng, đôi khi những con ngựa xuất sắc lại trở thành hạng dở, và những con ngựa dở mới lại là hạng xuất sắc.
Nếu bạn có học về bộ môn thư pháp (calligraphy) bạn sẽ nhận thấy rằng, những người học trò vụng về lại nhiều khi trở nên thành những nhà thư pháp giỏi. Và những người học trò khéo tay lại thường hay gặp nhiều trở ngại khi họ tiến lên đến một trình độ nào đó. Điều ấy đúng trong cả hai lãnh vực: nghệ thuật và thiền.
Sự sống cũng giống như vậy. Khi nói về thiền, ta không thể nào bảo rằng, “Người này giỏi,” hay “Người kia dở,” bằng một hiểu biết thông thường. Oai nghi trong khi ngồi thiền của mỗi người mỗi khác nhau. Có người ngồi kiết già được dễ dàng, có người thì không. Nhưng cho dù ta không thể ngồi đúng tư thế, khi ta khơi dậy cái tâm trong sáng của mình, ta vẫn có thể thực tập thiền một cách sâu sắc nhất. Mà thật ra, chính những người có nhiều trở ngại trong việc ngồi thiền lại có thể khơi dậy cái tâm cầu đạo của mình dễ dàng hơn những người khác.
Khi nhìn lại những việc đã làm trong quá khứ, chúng ta thường hay tự phê phán và hổ thẹn với chính mình. Tôi có một người học trò, anh ta viết cho tôi một lá thư, trong đó kể, “Thầy có gởi cho con một quyển lịch, và con cố gắng thực hành theo đúng những câu châm ngôn ghi trên những trang ấy. Năm chưa bắt đầu mà con đã phạm đủ thứ lỗi hết rồi!” Thiền sư Đạo Nguyên thường nói, “Shoshaku jushaku.” Chữ Shaku thường có nghĩa là “lỗi” hay “sai lầm.” Shoshaku jushaku có nghĩa là “sau lỗi này là lỗi khác,” hay là những lầm lỗi liên tục. Theo ngài Đạo Nguyên thì, sự lầm lỗi liên tục của một người cũng có thể là thiền. Cuộc đời của một vị thiền sư cũng có thể nói rằng là kết quả của năm tháng shoshaku jushaku. Nó có nghĩa là nhiều năm chuyên tâm chuyển hóa.
Không ở một nơi nào khác
Sau một thời gian tu tập bạn sẽ hiểu rằng, chúng ta không thể nào tiến bộ một cách nhanh chóng hoặc phi thường được hết. Cho dầu có gắng sức đến đâu, hành trình của bạn cũng vẫn phải là từng bước một. Tu tập không phải như là đi tắm mà bạn biết rằng mình sẽ bị ướt người. Nó cũng như là đi trong sương mù, khi bạn không biết là người bị ướt, nhưng sau một lúc quần áo sẽ bị thấm sương, từng chút, từng chút một. Nếu bạn có một tâm cầu tiến, bạn sẽ tự nhủ, “Ôi, như vầy thì chậm quá đi mất!” Nhưng sự thật thì không như bạn nghĩ đâu. Cái ướt của sương tuy chầm chậm nhưng sẽ lâu khô hơn. Vì vậy ta đừng nên quan tâm về vấn đề mau hay chậm.
Cũng như khi bạn học một thứ ngôn ngữ mới, chuyện ấy không phải một sớm một chiều mà được, nhưng bằng một sự kiên trì lặp đi lặp lại nhiều lần mà ta sẽ nhớ mãi. Đây là phương pháp tu tập của trường phái Tào Động. Chúng ta chỉ có thể tiến một cách từ tốn hay là không tiến được một chút nào hết. Hãy tự thành thật với chính mình và nỗ lực trong mỗi giây phút, bấy nhiêu đó là đủ lắm rồi. Niết bàn đâu có nằm bên ngoài sự thực tập của ta!”
- Trích trong “Thiền tâm, Sơ tâm. Suzuki Roshi”
Địa chỉ mua sách online
Từ khóa tìm kiếm: thiền tâm sơ tâm ebook, sách thiền, sach thien hay nhat, sach thien hay nen doc, thien tam la gi