Welcome to Lantro UI! Test link Buy now!

Sách Khi hơi thở hóa thinh không - Đọc và Review

Trong một buổi chiều rong ruổi tìm cho mình một liều thuốc vực dậy tinh thần có phần ám muội hương vị buồn chán, thật may, tôi lướt qua quyển sách “Khi hơi thở hóa thinh không” của Paul Kalanithi. Lúc ấy, tôi biết cuộc rong ruổi đã tìm được trạm dừng chân. Cuốn sách mở ra hàng loạt những câu hỏi, và trên con đường giải đáp chúng, tôi đã tự mình hiểu được động lực để mỗi ngày tôi được “sống” là gì.
Nguồn ảnh: Google.com

Tôi đến với cuốn sách một cách tình cờ, và những giá trị tôi tiếp nhận từ nó cũng hoàn toàn tự nhiên. Chẳng thể nói từ lúc khẽ khàng lật từng trang sách cho tới lúc thanh thản gấp sách lại là giai đoạn tôi thấy mình hừng hực ngọn lửa của sự sống.  Đúng hơn là, quyển sách mở ra một khoảng không cho tôi chiêm nghiệm sự gắn kết giữa sự sống- cái chết, và rốt cuộc ta thực sự “sống” khi nào, nó khác với “tồn tại” ra sao? Cuốn sách là tự truyện của vị bác sĩ phẫu thuật đang ở thời kỳ vàng son của sự nghiệp thì bản án tử giáng xuống anh: ung thư giai đoạn cuối. Ngay tại lúc thời gian đang dần bị bóp nghẹt bởi sự sống đang cạn kiệt, còn cái chết thì cận kề ấy, Paul Kalanithi mới thực sự sống và tìm được ý nghĩa về nhân sinh. Ngay từ tựa đề “Khi hơi thở hóa thinh không” là một câu hỏi tác giả dành cho tôi. Tôi còn lại gì cho đến lúc trút đi hơi thở cuối cùng? Tôi nên làm gì trước khi hóa thành cát bụi? Tôi nhận ra rằng, để có thể nhắm mắt thanh thản, ngay bây giờ đây, tôi phải thực sự sống cho hiện tại.

Chúng ta thường tảng lờ và cố gắng né tránh việc nhắc đến cái chết. Đó được coi là là điều tối kỵ. Thế nên, chúng ta quên rằng bản chất sự sống luôn gắn liền với cái chết. Nhưng tôi tin rằng chủ động nhận thức về cái chết là hành trang cần thiết. Sống là phải chết, hãy chấp nhận điều đó. Lằn ranh sống- chết chỉ cách nhau một hơi thở, một nhịp tim, hay theo thần thoại Hy Lạp, là khi sinh linh bước qua con sông Styx. Paul, với tư cách là một bác sĩ, coi cái chết là một điều hiển nhiên của tạo hóa. Cũng với Paul, nhưng với tư cách là bệnh nhân, coi cái chết là một lời nhắc nhở. Việc ý thức được một ngày nào đó ta sẽ hóa thành thinh không nhắc nhở bản thân phải sử dụng thời gian vào những điều giá trị. Cái chết chỉ đáng sợ khi tới lúc nhắm mắt xuôi tay, ta cảm thấy tiếc nuối nhiều hơn hài lòng vì phần lớn cuộc đời đã không thể dành trọn vẹn cho những điều trân quý. Tôi tin bằng cách dám nhìn vào nỗi sợ, chúng ta đều có thể chinh phục được nó. Lại một lần nữa tôi nể phục Paul Kalanithi vì tâm thế thanh thản của anh đứng trước cái chết, dù đó chắc chắn là điều không mong đợi. Mặc dù cái chết đã tước đi quyền sống của anh, nhưng nó không thể làm chết đi linh hồn anh.

Một bệnh nhân ung thư đã nhắc tôi một chân lí: chính vì không ai biết ngày mai sẽ ra sao, vậy nên hãy sống trọn vẹn cho hôm nay.  Đối với tác giả, anh đã định ra những kế hoạch cuộc đời mình: tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ tại Stanford, cầm tấm bằng tiến sĩ ngành Y học ở Cambridge, làm việc, lấy vợ, sinh con. Cái kế hoạch lý tưởng mới thực hiện được nửa ấy nay phải rẽ ngang qua hướng hoàn toàn khác khi những khối u và những cơn đau thấu tận tủy óc hoành hành Paul. Anh không vạch ra những đường đi nước bước nữa, mà chỉ đơn giản là tận hưởng một đặc ân: được sống. Một câu trong sách mà tôi ấn tượng mạnh là: “Ngay cả khi tôi phải chết, tôi vẫn thực sự sống cho đến lúc ra đi.” Nhiều hôm tôi quá hoài niệm quá khứ, ước rằng phải như lúc ấy tôi làm thế này, lúc đó tôi làm thế kia, thì bây giờ đời tôi đã nở hoa. Cả ngày tôi cứ chép miệng xoèn xoẹt nuối tiếc mãi. Nhưng giờ thì thây kệ! Có những chuyện ta cần rút kinh nghiệm, nhưng không thể để những sai sót trong quá khứ đeo bám hiện tại được. “Let it be!”

Qua câu chuyện của Paul, tôi nhận ra chúng ta chỉ thực sự “sống” khi hiểu mình sống vì cái gì. Hay nói đúng hơn, mình phải hiểu khát vọng của mình là gì. Tôi vẫn không ngừng cảm phục khát vọng được sống và tiếp tục đam mê của Paul Kalanithi. Như chú chim nhỏ trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” gắng hết mình để cất lên tiếng hót trong trẻo nhất trước khi lìa đời, Paul đã in dấu lại trong cuộc đời trước khi chết những điều tuyệt vời nhất về người đàn ông này. Những cơn đau tới xoắn chặt cơ lưng và những cơn chóng mặt đến mê man không làm anh buông bỏ say mê với con dao phẫu thuật. Mặc cho da thịt anh rã ra vì những đợt xạ trị triền miên, đôi tay anh vẫn viết nên được những dòng văn. Cái chết có thể mang ta đi bất cứ lúc nào, và ta khó có thể định sẵn khi nào ta chết (trừ khi ta tự tìm đến nó trước); nhưng có một điều quan trọng hơn mà Paul dạy tôi là ta có thể chọn cách sống trước khi chìm sâu vào ngàn thu. Anh chọn cháy với khát vọng được viết và được sống. Paul Kalanithi khiến tôi nhận ra rằng nghị lực có thể đập tan những giới hạn của bản thân như thế nào.
Đã nhiều lần vì quá bận bịu, cắm mặt vào học tập mà tôi bỏ qua những điều nhỏ nhặt về gia đình. Lâu rồi tôi chưa nói tiếng yêu ba mẹ. Tôi cũng không nhận ra hôm nay mắt mẹ phảng phất nét buồn. Có lúc tôi cũng quên mất hôm ấy là ngày của ba. Tôi quên mất mình nên ưu tiên thời gian cho những người tôi thương yêu. Và một người bệnh sắp lìa đời đã nhắc nhở tôi điều đó. Hãy dành thời gian cho những điều bạn trân quý nhất. Cuộc sống có nhiều cuộc vui, hằng hà sa số cám dỗ. Vậy nhưng, tôi cần đặt ưu tiên cho việc quan trọng, và dành thời gian cho người thân thương. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh dành toàn bộ sinh lực này cho gia đình nhỏ thân yêu. Anh dành thời gian thủ thỉ những lời tri ân tới Lucy- người bạn đời đã cùng anh từ những tháng năm đèn sách ở trường Y. Và anh dành hết sinh lực để viết cho cô con gái nhỏ mới chào đời lá thư cuối cùng. Ngay bây giờ đây, tôi thấy hạnh phúc và trân trọng những khoảnh khắc bên gia đình của mình, và tôi tin khi đồng tử tôi giãn dần, trong mắt tôi sẽ được chiếu cuộn phim quay lại tất cả kỉ niệm bên những người tôi thương yêu nhất. Cuộn phim quay chậm ấy đánh dấu những giá trị quan trọng nhất của một đời người, chứ không phải thứ gì khác.


Khi gấp lại quyển sách “Khi hơi thở hóa thinh không”, tôi lờ mờ thấy được một lối đi cho bản thân. Tôi khao khát sống vì điều gì? Tôi hiểu rõ thế nào về sự sống- cái chết? Cuốn sách không chứa đựng tất cả câu trả lời cho tất thảy câu hỏi về nhân sinh. Nhưng ít nhất sau khi đọc xong, tôi hiểu được mình nên lựa chọn sống thế nào. Tôi tin rằng hiểu được ý nghĩa của sự sống là nền tảng để ta tìm thấy động lực mang đến nhiều thi vị, màu sắc hơn cho cuộc sống. Một lần nữa, gửi đến Paul lời đề bạt ở cuốn sách mà anh không thể đọc: “Phần lớn cuộc đời mình, Paul luôn băn khoăn về cái chết- và liệu anh có thể đối mặt với nó một cách trọn vẹn tâm hồn mình hay không. Kết thúc, câu trả lời là: ‘Có’.”  

Nguồn bài viết: TRẦN THÙY CHI
HỌC SINH LỚP 11.5 TRƯỜNG THTH.ĐHSP TP.HCM
NĂM HỌC 2018 - 2019

Từ khóa tìm kiếm: khi hơi thở hóa thinh không pdf, khi hơi thở hóa thinh không ebook, khi hơi thở hóa thinh không đọc online, khi hơi thở hóa thinh không review, khi hơi thở hóa thinh không epub, khi hơi thở hóa thinh không tiki, khi hơi thở hóa thinh không pdf free, khi hơi thở hóa thinh không wattpad

Rate this article

https://me.momo.vn/khong

تعليقان (2)

  1. hihi
  2. Cảm ơn bạn @Lê Thọ